Du Lịch Cồn Chim
Chuyến đi nên khởi hành sớm để còn kịp
ngắm cầu vượt biển dài nhất Việt Nam và đầm Thị Nại hiền hòa trong sáng
sớm, biển dịu dàng chao qua chao lại, du khách còn thấy những con
thuyền đánh cá đã trở về và các đảo ngoài khơi nổi lên trên nền biển
xanh, và mặt trời đỏ rực trong sáng sớm khiến du khách có cảm giác lòng
muốn thênh thang cùng thiên nhiên xinh đẹp ấy.
Trên đường tới khu sinh thái Cồn Chim và
các vùng phụ cận, thỉnh thoảng du khách bắt gặp những đàn chim bói cá
bay theo. Đó là bay theo dòng nước của con tàu đang rẽ sóng, nơi đó có
nhiều cá đang nổi lên và chúng lao xuống để bắt những con mồi nhưng ai
cũng có cảm giác chúng đang bay theo mình.
Cách cầu Thị Nại không xa, bắt đầu từ
lạch Gò Cau, ngược dòng sông Hà Thanh, tàu sẽ đưa du khách tới thăm quan
khu vực Tiểu chủng viện Làng Sông (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước),
trước mắt du khách là những hàng cây Sao xanh ngút ngàn, khoảng 200 năm
tuổi, thân cây khoảng 3 đến 4 người ôm, cao trên 30m, tỏa bóng mát cả
một khu vực rộng lớn, ẩn sâu trong những hàng cây cổ thụ là khu nhà
nguyện và ngôi nhà thờ cổ kính, uy nghiêm, xây dựng từ năm 1925 theo lối
kiến trúc Gotíc; nơi đây xưa kia là trường đại học đào tạo các tu sinh
Thiên Chúa giáo đầu tiên của tỉnh Bình Định, đồng thời là điạ danh được
coi là nơi phát tích của chữ quốc ngữ ....Tất cả tạo nên một khung cảnh
tôn nghiêm, cổ kính, thơ mộng, quyến rũ du khách.
Rời khu vực này theo lộ trình tàu sẽ đưa
du khách tới khu sinh thái Cồn Chim (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước), du
khách ăn trưa và nghĩ trưa tại đây nếu du khách đã liên hệ trước, thú
vị hơn khi du khách thưởng thức các món ăn được chế biến từ những sản
vật tươi sống đặc trưng nơi đây như: tôm, cua, hầu, sò, cá kình, cá
chình..., đặc biệt du khách còn được thưởng thức món cá dìa đặc sản có
một không hai của đầm Thị Nại. Cá tươi khi được chế biến thịt cá có màu
trắng, hương thơm, ăn vào có vị ngọt, vị bùi, vị béo, vị mặn mòi của
muối biển..., Với hương vị quyến rũ, thơm ngon chắc chắn du khách sẽ khó
mà quên được cảm giác thú vị này.
Cơm trưa xong du khách có thể nghĩ trưa
tại đây, nếu du khách mang võng theo thì có thể cột võng và nằm nghĩ bên
những cành cây cổ thụ ven khu nhà Trung tâm khu sinh thái Cồn Chim với
những tán cây sum suê, tỏa rợp bóng mát.... Chắc chắn du khách sẽ có một
giấc ngủ trưa ưng ý.
Chiều lại du khách dạo chơi thăm thú,
khám phá toàn bộ khu rừng ngập mặn, với những con nước và những con
đường ngoằn nghèo 2 bên cây cối phủ đầy bóng mát. Du khách có thể tận
hưởng cảm giác như đang khám phá một vùng đất mới đầy thú vị, ngoài ra
du khách có thể thả lưới đánh cá cùng với ngư dân ở đây, có được hải sản
du khách có thể yêu cầu ngư dân hay tự tay mình chế biến và thưởng thức
các món ăn mà mình vừa mới đánh bắt được; nếu không kịp thời gian du
khách có thể mang về để những người thân cùng thưởng thức hải sản của
vùng này.
Sau khi thả lưới bắt cá cùng với ngư dân
khoảng 16h30', du khách di chuyển về vị trí trống trải không bị che
khuất tầm nhìn để ngắm những đàn cò bay về quần tụ trên những tán cây
cao, râm rạp nhất, bởi chỉ những tán cây rận và cao mới có độ an toàn
tuyệt đối với những đàn cò sau một ngày kiếm ăn xa xôi vất vả. Du khách
thả mình trên những chiếc tàu trôi theo những làn nước, chiêm ngưỡng và
ngắm nhìn những đàn cò thỏa thích. Điều thú vị là cò bay từng đàn rất
đông có tốp lên đến cả ngàn con, bay kín cả một khoảng trời rộng, với
những chiếc cánh trắng nõn nà, chao lượn tạo nên một khung cảnh thật
tuyệt vời nhưng cũng thật hoang dã. Tiếng kêu của chúng vang xa, lúc
trầm lúc bổng tạo thành một bản hoà tấu tuyệt vời như để khởi động một
ngày mới hoặc kết thúc một ngày làm việc mệt mỏi.
Cò bay về từ nhiều hướng khác nhau nhưng
có lẽ nhiều nhất là bay về từ hướng tây bởi nơi đó mới có những cánh
đồng rộng lớn là nguồn thức ăn vô tận của cò do vậy, du khách nên chọn
vị trí cho tàu đậu đứng quan sát các đàn cò tốt nhất là du khách cho tàu
dừng ở lạch nước phía tây của khu vực Cồn Chim, ngoài ra du khách có
thể chọn và chụp được những tấm hình ưng ý. Được biết, hiện Cồn Chim đã
tập trung khoảng từ 3 đến 5 loại cò về cư trú (cò trắng, cò ruồi, cò
ngang, cò bợ, cò diệc) và 3 loài vạc (vạc lưng xanh, vạc xám, vạc sao).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét